Vấn nạn rút ruột hàng hóa Container – doanh nghiệp cần cẩn trọng

Rút ruột container


Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) các tỉnh, thành phố tiếp tục phản ánh tới cơ quan chức năng về việc hàng hóa vận chuyển bằng container bị “bốc hơi” trong tình trạng vẫn còn kẹp chì niêm phong. Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, đơn vị này nhận được đơn thư của một số DN phản ánh về việc hàng hóa trong container bị rút ruột trên đường vận chuyển từ khu công nghiệp đến cảng và ngược lại. Theo nhận định từ Đội Phòng chống trộm cắp và lừa đảo (Đội 4) thuộc Phòng Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về Trật tự xã hội (TTXH) – PC45, Công an TP.HCM, thời gian gần đây tội phạm trộm cắp tài sản trong container rộ lên và có chiều hướng gia tăng. Nạn trộm cắp này không chỉ gây thiệt hại cho các DN xuất nhập khẩu mà còn ảnh hưởng đến uy tín của DNVN trên thương trường quốc tế.

NHÌN LẠI MỘT SỐ VỤ ÁN

Công ty TNHH Quang Anh (bên A), có trụ sở tại thị xã Uông Bí, Quảng Ninh ký hợp đồng và giao Công ty TNHH Vận tải Hiệp Lực (bên B) ở Hải Phòng làm các thủ tục xuất – nhập và vận chuyển lô hàng container thịt bò. Riêng khâu vận chuyển, Công ty Hiệp Lực hợp đồng với Nguyễn Văn Lâm (bên C), 34 tuổi, ở số 40 Phương Lưu, phường Đông Hải I, quận Hải An, Hải Phòng, chuyên kinh doanh vận tải bằng container chịu trách nhiệm. Hàng hóa hàng ngày được vận chuyển bằng đầu kéo container từ cảng Hải Phòng đi các cửa khẩu. Tuy nhiên, hàng thường xuyên bị rút ruột mà không biết mất do đâu, ở khâu nào. Chỉ một thời gian ngắn, các trinh sát hình sự đã dựng được một ổ nhóm nghi can chuyên trộm cắp tài sản trên container từ cảng Hải Phòng sau khi hàng đã được thông quan. Điều bất ngờ, chính Nguyễn Văn Lâm, đối tác vận chuyển của Công ty Hiệp Lực lại là kẻ cầm đầu. Thủ đoạn của bọn này là sau khi bốc hàng, kẹp chì niêm phong tại cảng, chúng đến một địa điểm khác, sử dụng bộ rung đổi điện từ ắc quy ô tô sang điện xoay chiều chạy máy khoan, cắt chốt phá kẹp chì cũ, lấy đi một lượng hàng hóa nhất định rồi đóng chốt và kẹp chì niêm phong lại như cũ, tiếp tục vận chuyển container đến địa điểm giao hàng theo hợp đồng.

Trường hợp khác, Công ty Dệt Texhong, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai liên tục xảy ra ba vụ mất trộm vải sợi. Số hàng hóa này được chở trong 6 container từ Khu công nghiệp Nhơn Trạch về cảng Cát Lái, TP.HCM để xuất đi Trung Quốc. Tổng giá trị hàng hóa lên đến hàng chục triệu USD. Không lâu sau, Cảng ICD Long Bình cũng xảy ra 5 vụ mất trộm hàng trên đường vận chuyển. Thiệt hại ước tính khoảng 11 tỷ đồng.

Ngày 7.8.2011 Công an TX. Thuận An, Bình Dương ra quyết định bắt tạm giam 8 nghi phạm liên quan trong nhóm trộm hàng container do Lê Nghĩa (33 tuổi, quê Bình Định) cầm đầu để làm rõ hành vi trộm cắp tài sản. Theo cơ quan điều tra, Công ty CP An Linh (huyện Tân Uyên, Bình Dương) đã ký hợp đồng với Công ty TNHH đầu tư Phước Sơn (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) để vận chuyển 42 tấn cà phê hạt trị giá hơn 200 triệu đồng đến cảng ICD Sotrans (Q.Thủ Đức) làm thủ tục xuất khẩu. Tài xế Nguyễn Thành Luân được Công ty Phước Sơn giao lái container vận chuyển số hàng trên. Tuy nhiên, trên đường đến cảng, Luân đã móc nối với Nghĩa đưa số container đến bãi đậu thuộc khu phố Đông (P. An Phú, TX. Thuận An, Bình Dương) cùng đồng bọn trộm cà phê.

Trước đó, Công ty CP Dệt may Đầu tư thương mại Thành Công chuyển lô hàng 460 thùng hàng sợi cuộn 100% polyester từ Tây Ninh giao cho Công ty TNHH Đỗ Hồng Hải vận chuyển đến cảng Cát Lái (Q.2, TP.HCM) làm thủ tục hải quan để xuất khẩu. Lái xe Đỗ Thành Hiếu (29 tuổi) và Lê Văn Dũng được giao nhiệm vụ chở hàng. Trên đường đi, Hiếu lái xe container đến “bãi đáp” tại khu phố Đông (P.Vĩnh Phú, TX. Thuận An, Bình Dương) cùng đồng bọn tổ chức trộm 90 thùng hàng (trị giá hơn 200 triệu đồng) rồi chuyển sang xe tải. Hành vi này bị cảnh sát bắt quả tang. Băng nhóm này khai nhận trước đó đã thực hiện trót lọt hơn 20 vụ “rút ruột” container. Cơ quan điều tra xác định tổng trị giá hàng trộm cắp lên đến hơn 20 tỷ đồng.

Ngày 26.8.2011, 2 container tiêu hạt vận chuyển từ ngã 4 Sở Sao đến cảng ICD Phước Long 3 (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cũng bị mất 3 tấn, trị giá 1,6 tỷ đồng… Sau nhiều tháng phối hợp điều tra cùng công an các tỉnh thành, Ban chuyên án đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố bị can 9 đối tượng, bắt tạm giam 7 đối tượng…

Theo nhận xét của các Ban chuyên án (BCA), để thực hiện trót lọt các phi vụ, bọn chúng đã móc nối với một số tài xế container biến chất. Sau đó thống nhất địa điểm dừng xe để dùng kìm, cờ-lê, búa… phá niêm phong kẹp chì, lấy hàng. Hàng được lấy ra, mọi thứ lại được niêm phong như cũ, vận chuyển hàng ra cảng.

CẨN TRỌNG VỚI “TAY TRONG”

Công ty CP Giày Đông Anh liên doanh với Đài Loan có trụ sở tại tổ 37, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội xảy ra hàng loạt vụ mất trộm tài sản là hàng hóa có giá trị lớn. Điều đặc biệt là trong các container giày được xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới, khi đối tác mở ra kiểm tra thì thiếu hụt hàng trăm sản phẩm, nhưng niêm phong, kẹp chì vẫn còn nguyên vẹn. Thẩm định các khâu đóng gói, giao hàng, kiểm đếm trước khi xuất xưởng và đóng container đều không phát hiện ra sai sót, nhầm lẫn, tất cả các đầu mối nghi ngờ đều tập trung vào quá trình vận chuyển gần 200km từ kho xưởng của công ty đến cảng Hải Phòng. Tuy nhiên, đã rất nhiều lần công ty cử cán bộ đi kiểm tra, giám sát trên cả quãng đường vận chuyển nhưng không phát hiện thấy điều gì khác thường, quy trình vận chuyển đúng với quy định đề ra.

Tại Công ty Giày Đông Anh, qua kiểm tra tất cả các khâu từ sản xuất, đóng gói, kiểm tra, niêm phong kẹp chì đều không xảy ra sơ suất, và tất cả các vụ “rút ruột” chỉ khoanh vùng lại ở phần vận chuyển. Nhận định của BCA là không loại trừ cán bộ tham gia áp tải hàng từ công ty đến cảng đã thông đồng với đội ngũ lái xe để “thổi” nhiều hàng hóa trị giá hàng trăm triệu đồng trong các container.

Tất cả các lái, phụ xe và cán bộ áp tải hàng hóa của những chuyến hàng bị mất trộm, được BCA làm rõ. Vụ án được khám phá đã có tác dụng răn đe, cảnh báo đối với số lái xe, nhân viên áp tải hàng không chỉ của Công ty Giày Đông Anh.

THỦ ĐOẠN TINH VI

Theo Hiệp hội Điều VN, chỉ trong vòng mấy năm trở lại đây, các DN ngành điều đã mất một lượng hàng trên 5.000 cartons hạt điều các loại, tương đương trên 113 tấn, giá trị khoảng 2 triệu USD. Có trường hợp DN xuất khẩu điều mất hàng chỉ còn sót lại 6 cartons điều nhân trong container. Nguy hiểm hơn là những kẻ trộm này tỏ ra rất chuyên nghiệp và có tổ chức. Đó là chưa kể nhưng vụ mất cắp nhỏ lẻ khác, số lượng 10-15 thùng mà DN cắn răng chịu đựng, không nói ra.

Lớn nhất là vụ mất cắp hàng hóa thiệt hại trên hai tỷ đồng mới đây của Công ty TNHH Hải Nam Phát. Nhân viên kiểm định của Công ty CP Giám định Vinacontrol xuống Công ty Hải Nam Phát đóng 2 container nhân điều xuất khẩu đi Ai Cập và làm thủ tục kiểm đếm, đóng siêu (seal) như mọi lần. Thế nhưng đến ngày hôm sau, rất tình cờ khi nhân viên này xuống Long Khánh, Đồng Nai để giám định lô hàng khác thì phát hiện một xe tải chở hàng loạt thùng điều có nhiều điểm giống hệt lô hàng của Công ty Hải Nam Phát (có chữ Ai Cập trên thùng) mà anh đã giám định. Lập tức anh gọi báo cho giám đốc Công ty Hải Nam Phát đến kiểm tra. Quả nhiên lô hàng này chính là hàng của Công ty Hải Nam Phát. Sau đó, tại cảng ICD Phước Long 2 (Thủ Đức, TP.HCM), trước đại diện hải quan, Vinacontrol, bảo vệ cảng và giám đốc Hải Nam Phát, hai container của công ty này được cắt niêm phong chì ra thì hàng hóa bên trong chỉ còn 486 thùng, mất tới trên 1.000 thùng hàng. Kỳ lạ thay, hai container này không có dấu vết cậy phá, cắt, nạy…

Tương tự, trước đó Công ty CP Lạng Sơn (Bình Dương) cũng mất một lượng lớn hàng nhân điều xuất ra nước ngoài. Ông Vũ Thái Sơn, Giám đốc Công ty Thạnh Sơn, đơn vị tư vấn, môi giới cho Công ty Lạng Sơn, cho biết trong 33 tấn hạt điều xuất sang Úc, khi hàng cập cảng thì đối tác cho biết số hàng trên bị mất tới 261 thùng hàng các loại, thiệt hại gần 35 ngàn USD. Có điều rất lạ là khi rà soát lại quy trình xuất vẫn không xác định được hàng mất từ khâu nào vì niêm phong lô hàng vẫn còn nguyên xi khi hàng cập cảng. Theo ông Sơn, đối tượng lấy cắp lô hàng nói trên rất chuyên nghiệp, biết rõ giá trị từng thùng hàng và chỉ lấy những thùng hàng có giá trị cao.

Thời gian gần đây, hàng nhập khẩu cũng bị rút ruột. Theo biên bản giải trình của Công ty Dây cáp điện Tai Sin (VN), gần đây, các container nhập khẩu của DN này liên tục bị rút ruột. Công ty Tai Sin mở tờ khai hải quan, khai báo nhập khẩu hai container dây đồng loại 20 feet (trọng lượng gần 41.000 kg) tại Cục Hải quan Bình Dương. Phát hiện một trong hai container có số seal (niêm phong) của hãng tàu không đúng với vận đơn và biên bản bàn giao hàng của Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực I (Cục Hải quan TP.HCM) trước đó, lực lượng hải quan cắt seal, mở container thì phát hiện toàn bộ số hàng bên trong đã “bốc hơi”. Theo đại diện của Công ty Tai Sin, việc mất số hàng nói trên phải do hãng tàu chịu trách nhiệm vì số seal của container được lập tại cảng dưới sự chứng kiến của cơ quan chức năng. Khi phát hiện sai seal, hãng tàu không thông báo cho công ty và đơn vị khai thuê để xử lý. Việc vận chuyển hàng từ cảng về bãi tập kết không xảy ra sai sót và đúng lịch trình nên khó có khả năng hàng bị mất ở khâu này. Phía công ty nghi ngờ lô hàng bị “rút ruột” trong quá trình vận chuyển từ cảng Malaysia về Cảng Cát Lái. Mới đây, công ty này lại tiếp tục phát hiện một container nhập khẩu đồng bị “rút ruột”. Rút kinh nghiệm lần trước, đại diện công ty cử người đến thẩm định hàng ngay tại Cảng Cát Lái. Kiểm tra số container nhập về từ Malaysia, đại diện công ty phát hiện một container có trọng lượng nhẹ hơn nên mở niêm phong, kiểm tra hàng dưới sự giám sát của cơ quan chức năng gồm: hải quan, đơn vị bảo hiểm, chủ hàng… thì lô hàng 20 tấn lõi đồng (trị giá 190.000USD) chỉ là một container rỗng ruột. Trao đổi với Tai Sin, đơn vị xuất khẩu hàng khẳng định đã đóng gói và kiểm tra hàng kỹ lưỡng trước khi xuất cảng. Hiện cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ vụ việc. Qua đây có thể thấy, mức độ ăn cắp hàng hóa trong container ngày càng tổ chức chặt chẽ và rất tinh vi.

LỜI KHUYÊN CHO DOANH NGHIỆP

Theo kiến nghị của cơ quan công an, để đối phó với nạn trộm cắp hàng container cần những động thái trước tiên từ phía DN. Các DN nên tự hàn bản lề thùng container và đánh dấu ký hiệu riêng để có thể phát hiện khi mất hàng nhanh hơn để kịp báo cho cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, các cảng cũng cần bổ sung thêm các dịch vụ cân trọng lượng container khi thông quan để theo dõi và đề phòng mất cắp. Ngoài ra, DN cũng cần lưu ý việc thuê ngoài vận chuyển container của các DN không tự trang bị xe đầu kéo cũng tạo điều kiện cho tài xế, lơ xe dễ dàng thực hiện hành vi trộm cắp.


Để chắc chắn hơn, thay vì sử dụng kẹp chì niêm phong không có số thứ tự, tên công ty rất dễ bị tráo đổi thì doanh nghiệp nên sử dụng các loại seal niêm phong có thể in thông tin doanh nghiệp và series lên đó. Tham khảo thêm 2 loại seal phù hợp là seal cáp kim loạiseal cối container.

Bài viết được tham khảo từ: http://www.vlr.vn/vn/news/logistics-viet-nam/van-tai/1232/-rut-ruot-container-sos-.vlr

 

Một số sản phẩm liên quan

Dây rút nhựa

Kẹp nhựa

Dây treo nhãn mác



Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!